01/02/2023
0

Mảng chip nhớ tụt dốc, hàng loạt chip dư thừa trên toàn cầu

Samsung đang phải lao đao với sự sụt giảm ở mức lịch sử về nhu cầu chip nhớ, khi hàng loạt đối tác phải xử lý lượng hàng dư thừa do mua ồ ạt để tích trữ trong đại dịch.

Trong báo cáo tài chính quý IV/2022 của mình, Samsung cho biết lợi nhuận mảng chip giảm hơn 90% so với quý trước và giảm 69% so với cùng kỳ 2021, xuống còn 270 tỷ won (220 triệu USD). Lý do được đưa ra là "khách hàng chưa sử dụng hết hàng tồn kho". Thu nhập hoạt động của mảng này đạt 4,3 nghìn tỷ won (3,5 tỷ USD), thấp hơn ước tính trung bình của các nhà phân tích là 5,8 nghìn tỷ won (4,7 tỷ USD).

Samsung không phải là hãng duy nhất phải chịu ảnh hưởng. Ngày 31/1, SK Hynix (Hàn Quốc) thông báo doanh thu giảm 38% cùng khoản lỗ kỷ lục 1,7 nghìn tỷ won (1,4 tỷ USD) trong quý vừa qua. Giá chip nhớ giảm hơn 50% kể từ mức đỉnh 2022, Hynix buộc phải điều chỉnh sản lượng và vốn đầu tư trong lúc chờ sự phục hồi vào nửa cuối năm. Hãng nhận định mức tồn kho toàn ngành sẽ tiếp tục tăng.

"Với bất ổn còn kéo dài, chúng tôi sẽ tiếp tục giảm đầu tư và chi phí, cố gắng hạn chế tác động của suy thoái", công ty cho biết.

Lĩnh vực sản xuất chip nhớ, vốn nổi tiếng với các chu kỳ bùng nổ và suy thoái đều đặn, đã bất ngờ thay đổi cách thức vận hành của nó. Trong quá khứ, sự kết hợp giữa việc quản lý kỷ luật và chặt chẽ các thị trường mới cho sản phẩm của mình, bao gồm cả công nghệ 5G và dịch vụ đám mây, sẽ đảm bảo rằng các công ty dễ dự đoán thu nhập mang lại.

Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi các công ty chip nhớ lớn đưa ra những tuyên bố như vậy, ngành công nghiệp trị giá 160 tỷ USD đang quay cuồng vì sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu. Theo Bloomberg, Micron Technology (Mỹ) tuần trước thông báo sẽ hạn chế chi tiêu cho các nhà máy, cắt giảm nhân sự, giảm nghiên cứu thiết bị mới và giảm sản lượng sản xuất. Kioxia Holdings của Nhật Bản giảm 30% sản lượng và đang đàm phán sáp nhập với Western Digital của Mỹ vì khó khăn.

Trước đó, Intel cho biết đang chuẩn bị cho một trong những quý tồi tệ nhất, và dự đoán tình trạng u ám của ngành bán dẫn sẽ kéo dài ít nhất đến hết nửa đầu năm nay.

Giá chip nhớ đạt đỉnh trong giai đoạn đầu của Covid-19 do nhu cầu mạnh mẽ nhưng bắt đầu giảm từ cuối 2021. Mức giảm theo quý ngày càng tăng hơn trong nửa cuối năm ngoái. Kim Soo-kyoum, Phó chủ tịch phụ trách mảng bộ nhớ tại công ty nghiên cứu thị trường bán dẫn International Data, cho biết ngành chip nhớ khởi đầu năm 2023 với lượng hàng tồn kho lớn. Theo WSJ, ông Soo-kyoum dự đoán với nhu cầu chững lại, giá bộ nhớ dự kiến tiếp tục giảm trong năm nay. "Mức giảm hàng quý có thể thu hẹp hoặc không thay đổi trong nửa cuối năm tùy thuộc vào thời gian khách có quay lại mua hay không", ông nói.

Hiện tại, Samsung Electronics và các đối thủ của hãng đang chấp nhận thua lỗ trên mỗi con chip họ sản xuất ra. Khoản lỗ hoạt động tập thể này được dự đoán sẽ đạt mức kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay. Hàng tồn kho - một chỉ số quan trọng về nhu cầu đối với chip nhớ đã tăng hơn gấp ba lần lên mức kỷ lục, đạt mức đủ dư thừa để cung cấp từ ba đến bốn tháng.

Theo TrendForce, giá DRAM và NAND flash giảm lần lượt 23% và 28% trong quý IV/2022 so với quý trước đó. Hãng nghiên cứu Đài Loan cũng dự đoán giá DRAM giảm 20% trong quý đầu tiên và 11% trong quý thứ hai năm nay, trong khi NAND flash giảm 10% và 3% tương ứng.

"Giá DRAM dự kiến tiếp tục đi xuống trong nửa cuối năm khi việc cắt giảm sản xuất trên quy mô lớn tiếp tục diễn ra", Avril Wu, Phó chủ tịch của TrendForce, nhận định.

Ngành công nghiệp bộ nhớ đã có những vụ sáp nhập trong thời kỳ suy thoái trước đây và lần này có thể không phải là ngoại lệ. Các nhà sản xuất NAND Western Digital Corp và Kioxia Holdings Corp đang cho thấy dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán thỏa thuận của họ, theo những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Tuy nhiên, các công ty đã cùng nhau sản xuất và do đó việc sáp nhập sẽ không nhất thiết dẫn đến việc giảm sản lượng.

Nhưng một câu hỏi dài hạn hơn là khi nào nhu cầu của khách hàng sẽ phục hồi trở lại. Theo Greg Roh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ tại HMC Investment & Securities, cho biết việc thay đổi chính sách quản lý ở Trung Quốc gần đây có thể là một chất xúc tác giúp ích cho ngành, vì các nhà sản xuất thiết bị sẽ có thể đưa các nhà máy sản xuất trở lại nhịp điệu hoạt động bình thường.

Dù giảm doanh thu, Samsung cho biết vẫn có kế hoạch tiếp tục đầu tư bất chấp suy thoái. Theo Kim Jae-june, Phó chủ tịch mảng tiếp thị bộ nhớ của Samsung, kế hoạch chi tiêu vốn cho mảng chip nhớ năm 2023 dự kiến vẫn tương tự 2022. Đồng thời, công ty sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì đây là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn.

Nhà phân tích David Tsui của S&P Global Ratings cho rằng nhu cầu công nghệ toàn cầu có thể phục hồi cuối năm nay. "Còn hiện tại, vẫn chưa rõ hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi nhanh như thế nào và ở mức độ ra sao", ông nói với WSJ.

Đăng nhập

Chat