12/12/2022
0

Apple phải phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức nào?

Trong nhiều năm, Apple đã dựa vào mạng lưới dây chuyền rộng lớn tại Trung Quốc để sản xuất iPhone, iPad và hàng loạt sản phẩm phổ biến khác của hãng. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này khiến Apple gặp thách thức trong giai đoạn đại dịch. Công ty có giá trị lớn nhất thế giới đang tìm cách tăng tốc kế hoạch chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc, nhưng quá trình giảm sự phụ thuộc có thể mất nhiều năm, thậm chí không thể thực hiện.

Hồi đầu tháng 11, vài tuần trước cao điểm mùa mua sắm cuối năm, Apple đã phải đưa ra cảnh báo bất thường rằng khách hàng sẽ phải chờ đợi lâu hơn để nhận các mẫu iPhone 14 Pro. Lý do là một trong những dây chuyền lắp ráp chủ chốt tại thành phố Trịnh Châu của Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng vì bất ổn trong nhà máy.

Trong thông báo gửi đến giới đầu tư hồi đầu năm, các nhà phân tích thuộc công ty quản lý tài chính Wedbush Securities ở Mỹ nhận định Apple không thể chuyển phần lớn dây chuyền iPhone đến Ấn Độ và Việt Nam trước năm 2025, và điều này chỉ có thể diễn ra nếu tập đoàn Mỹ "hành động kiên quyết".

Gad Allon, giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, còn đưa ra đánh giá cẩn trọng hơn khi cho rằng "tỷ trọng sản xuất sẽ không thay đổi quá vài % trước năm 2025".

Ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho thấy nhà máy của Apple tại Trịnh Châu sản xuất 85% các dòng iPhone Pro trước khi trải qua đợt giảm sản lượng trong vài tuần qua.

"Apple không thể thành công như ngày nay nếu thiếu nền tảng sản xuất ở Trung Quốc. Ngay cả khi họ phát tín hiệu muốn chuyển dịch dây chuyền khỏi Trung Quốc, điều đó cũng không thể dẫn đến sự tách rời giữa hai bên. Sẽ luôn có sản phẩm Apple được chế tạo tại Trung Quốc trong thời gian dài sắp tới. Về mặt nào đó, Apple có thể được coi là một công ty Trung Quốc", Eli Friedman, giáo sư tại Đại học Cornell ở Mỹ, nêu quan điểm.

"Có hàng loạt yếu tố quan trọng trong quá trình lắp ráp và sản xuất sản phẩm Apple mà chưa có quốc gia nào ngoài Trung Quốc làm được. Những nước khác có thể sở hữu một trong những yếu tố này, nhưng chưa ai có toàn bộ", Friedman giải thích thêm.

Ông liệt kê các yếu tố như nguồn cung vật liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp lân cận, cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới luôn sẵn có với số lượng lớn, khả năng tiếp cận nguồn kỹ sư lớn và chi phí nhân công rẻ, cùng diện tích đất khổng lồ để xây dựng dây chuyền chế tạo với hàng trăm nghìn công nhân.

Tim Cook từng đề cập ưu thế sản xuất độc nhất của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn năm 2015. "Họ có thể lấy toàn bộ thiết bị chế tạo công cụ và khuôn đúc ở Mỹ rồi đặt trong một căn phòng. Còn ở Trung Quốc, điều đó sẽ cần diện tích tương đương nhiều sân bóng đá", CEO Apple nói.

Steve Jobs cũng nhắc đến vấn đề nguồn lao động trong cuộc gặp Barack Obama năm 2010. Ông chỉ trích hệ thống giáo dục không đồng nhất của Mỹ đã đặt ra trở ngại với Apple, khi công ty cần 30.000 kỹ sư công nghiệp để hỗ trợ nhân lực tại các nhà máy.

Steve Jobs từng nói với Barack Obama, "Không thể tìm bằng đó người tại Mỹ. Nếu các vị đủ sức đào tạo lực lượng kỹ sư như vậy, chúng tôi có thể chuyển thêm nhiều nhà máy về Mỹ".

Apple từng ấp ủ kế hoạch chuyển nhà máy đến Ấn Độ. Quốc gia này có lực lượng lao động lớn và nhiều kỹ sư trình độ cao, nhưng quá trình biến Ấn Độ thành trung tâm chế tạo sản phẩm lại đối mặt với rào nhiều cản.

Trong khi đó, Việt Nam được cho là có quỹ đất và dân số nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ.

Giáo sư Allon nhận xét, "Apple ngần ngại rút bớt khỏi Trung Quốc cũng vì đây là thị trường khổng lồ". Doanh thu của Apple tại Trung Quốc trong giai đoạn tháng 9/2021-9/2022 đạt 74 tỷ USD, tương đương gần 20% doanh thu toàn cầu của hãng.

"Những người khổng lồ công nghệ của Mỹ như Google, Meta và Amazon đều không có chỗ đứng tại Trung Quốc. Apple là trường hợp duy nhất xâm nhập thành công. Họ phải rất cẩn trọng để không phá vỡ quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay", ông Allon nói thêm.

Đăng nhập

Chat